Phương tiện: Mã Tour:

Đền Xã Tắc – Ngôi đền linh thiêng địa đầu tổ quốc

Đền Xã Tắc – Ngôi đền linh thiêng địa đầu tổ quốc

Lịch sử đền Xã Tắc

Đền Xã Tắc được xây dựng vào thời nhà Trần, từ khoảng đầu thế kỷ thứ XIII. Có tài liệu cho rằng: “Xã” là nơi thực hiện các nghi lễ để tế thần Đất; “Tắc” là chỗ để tế thần Nông. Nếu theo cách giải thích này, đền Xã Tắc là nơi thờ phụng thần Đất và thần Nông, hai vị thần tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước.

Cũng có tài liệu cho rằng đền này thờ vị thần có tên Xã Tắc Đại Vương, bởi vậy còn được gọi là miếu Xã Tắc Đại Vương. Có lẽ vị thần Xã Tắc Đại Vương chính là thần thành hoàng của vùng đất này, nơi ngày xưa đã từng được gọi là châu Móng Cái.

Trong tâm thức của người Việt, thành hoàng là người đóng vai trò quan trọng trong việc lập làng, giữ đất. Đức thành hoàng luôn được coi là vị thần có sức mạnh bảo vệ, phù hộ cho dân làng. Sự hiện hữu ngôi đền để thờ phụng vị thành hoàng cũng giống như sự hiện hữu của tất cả những ngôi đền thờ thành hoàng khác trên đất nước.

Các cụ ngày xưa vẫn thường dùng cụm từ “sơn hà xã tắc” khi nói đến quốc gia. Do vậy, “xã tắc” có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn chính là non sông, đất nước. Đất Móng Cái nhiều nơi bằng phẳng và thuận tiện nhưng người ta cũng không tìm thấy dấu tích của đền thờ hay miếu đàn. Thế mà ngôi đền lại tọa lạc ngay tại địa điểm phên giậu sát đường biên giới

Ý nghĩa của tên gọi đền Xã Tắc có lẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi là nơi thờ thần Đất và thần Nông hay thờ thành hoàng của riêng Móng Cái nữa, mà đó chính là nơi thờ vị thần gìn giữ xã tắc non sông. Và ngôi đền Xã Tắc cũng không chỉ đơn thuần là nơi tâm linh tín ngưỡng thông thường, mà còn là cột mốc linh thiêng trấn giữ địa đầu biên cương của tổ quốc.

Hiện nay, đền thờ Xã Tắc Đại Vương, Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.

Lễ hội đền Xã Tắc

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Xã Tắc là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ năm 2018, thành phố Móng Cái đã phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội đền Xã Tắc xưa.

Lễ hội đền Xã Tắc được tổ chức trong hai ngày 2 và 3/3 hàng năm. Phần lễ chính gồm lễ cấp thủy, lễ mộc dục, lễ nghênh thần (rước thần du xuân), lễ tế Xã Tắc, lễ dâng lễ vật, lễ xuất tịch. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống: bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy, đi cầu kiều, viết thư pháp.

Trong lễ hội có hoạt động lấy nước từ sông Ka Long đựng trong bình bằng sành và được 6 thanh niên trai tráng rước về bằng kiệu. Ý nghĩa của nghi thức lễ rước cấp thủy về thờ Thánh nhằm mong ước thánh phù hộ cho người dân trong vùng luôn gặp được những điều may mắn, mùa màng tốt tươi, khỏe mạnh.

Ngoài những lễ vật thường thấy như lợn, gà, vịt, hải sản… còn có những đặc sản của vùng đất Móng Cái như bánh chưng và xôi ngũ sắc được người dân địa phương trong vùng Móng Cái chuẩn bị và trang trí để dâng đền vào ngày lễ.

Sau các nghi thức được tổ chức trong đền, đoàn rước sẽ rước bài vị của Xã Tắc Đại Vương cùng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng du hành theo trục đường dọc sông Ka Long. Người dân hai bên đường sắp mâm cỗ ngay trước cửa đón kiệu Thánh đi qua.

Đền Xã Tắc và lễ hội đền Xã Tắc hàng năm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng, tâm linh của người dân Quảng Ninh và còn trở thành cột mốc trấn giữ bờ cõi, thầm lặng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất “con Rồng, cháu Tiên”.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *